Việt Nam gia nhập wto vào năm nào
Ngày 11/1, tại Geneva, Tổ chức Thương mại thế giới WTO sẽ tiến hành nghi lễ trao thẻ thành viên chính thức cho Việt Nam. Cùng với việc chính thức trở thành thành viên của WTO, Việt Nam cũng chính thức phải thực hiện các cam kết đã đưa ra với WTO.
Tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam
Tháng 1/1995: Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO.
Ngày 31/1/1995: Đại hội đồng WTO đã thành lập Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO do ông Seung Ho (Hàn Quốc) làm chủ tịch.
Tháng 8/1996, Việt Nam gửi tới Ban thư ký WTO "Bị Vong lục về Chế độ ngoại thương Việt Nam". Sau đó, Ban Công tác đã tổ chức 9 phiên họp để đánh giá tình hình chuẩn bị của Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam trực tiếp giải thích chính sách.
Đầu năm 2002, Việt Nam đã gửi Bản chào ban đầu về thuế quan và Bản chào ban đầu về dịch vụ tới WTO. Bắt đầu tiến hành đàm phán song phương với một số thành viên có yêu cầu đàm phán từ năm 2002 - 2006.
10/2004: Kết thúc đàm phán song phương với EU - đối tác lớn nhất.
5/2006: Kết thúc đàm phán song phương với Mỹ - đối tác cuối cùng trong 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương.
Ngày 26/10/2006: Kết thúc phiên đàm phán đa phương cuối cùng. Ban Công tác chính thức thông qua toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam. Tổng cộng đã có 14 phiên họp đa phương từ tháng 7/1998 đến tháng 10/2006.
Ngày 7/11/2006: WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO.
Ngày 29/11/2006, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn kết quả thỏa thuận, và đã ủy quyền cho Chính phủ gửi đến WTO bản Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam.
Ngày 6/12/2006: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Lệnh công bố Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư.
Ngày 11/12/2006: đại diện Việt Nam đã trao thư của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đến Ban Thư ký WTO, thông báo việc Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam.
Ngày 11/1/2007: WTO tiến hành nghi lễ trao thẻ thành viên WTO chính thức cho Việt Nam.
Thành tựu của Việt Nam khi giai nhập WTO
Từ khi trở thành thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt từ 12-14%/năm và chỉ có dấu hiệu giảm sút trong thời gian ngắn gần đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 cũng tăng gấp 3,6 lần so với năm 2007. Đây là những con số cho thấy khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam đã không bỏ lỡ những cơ hội có được từ sự kiện mang tính lịch sử này.
Ngoài ra, sau 12 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon…
Đến nay đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)...; trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA; trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.
Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20. Tính đến năm 2018 Việt Nam có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu từ vào Việt Nam.
Sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng cơ hội khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Qua đó, phần nào học hỏi, chuyển giao được công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới này cũng giúp các doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn rất nhiều. Không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.
Nhờ nỗ lực của cả tập thể mà 12 năm qua, hàng hóa sản phẩm của Việt Nam đã vươn ra nhiều thị trường trên thế giới; trong đó chinh phục được cả những thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Việt Nam đã khai thác được nhiều lợi thế so sánh về chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Các ngành hàng mà Việt Nam chiếm ưu thế lần lượt là điện tử, dệt may, nông sản.
Việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khung khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững.
Theo TS. Vũ Duy Phú, Phó chủ tịch Hội đồng Viện Những vấn đề phát triển (VIDS). Website: http://vids.org.vn/
Bài viết liên quan
https://cecodes.org/xa-hoi-dan-su/
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2006/05/printable/060515_civil_society.shtml
https://vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/KhoaHocCongNghe/View_Detail.aspx?ItemID=4
Last updated